TÚI GIẤY – Những điều thú vị

Bạn có biết?

  • Túi giấy gần như có thể tái chế 100% và có thể phân hủy chỉ trong vòng một tháng.
  • Việc sản xuất túi giấy tiêu tốn ít năng lượng hơn so với túi nhựa.
  • Túi giấy an toàn hơn cho các loài động vật.
  • Bạn có thể tái sử dụng túi giấy tại nhà, thậm chí có thể dùng để làm phân trộn.

Với tiêu chí tinh giản và vui vẻ, chúng tôi muốn gửi tới các bạn một số hoạt động hỗ trợ việc học tập của trẻ sử dụng chiếc túi giấy.

1. Túi sờ và đoán

Mục đích: rèn cho học sinh khả năng nhận biết đồ vật xung quanh (hình dạng, cấu trúc,…), phát triển xúc giác, phát triển khả năng liên tưởng, sử dụng từ ngữ, cách diễn đạt mô tả.

Chuẩn bị: Túi giấy, một số đồ vật tùy chọn.

Cách thực hiện:

  • Mức 1: Giáo viên bỏ đồ vào trong túi rồi cho học sinh tiến hành sờ và đoán tên đồ vật.
  • Mức 2: Giáo viên bỏ đồ vào trong túi rồi cho học sinh tiến hành sờ và mô tả lại cho các bạn đoán.
  • Mức 3: Học sinh tự bỏ đồ vật bí mật của mình vào túi sau đó tiến hành hoạt động như hai mức trên.

2. Túi loại từ

Mục đích: phát triển khả năng liên tưởng, trí tưởng tượng, khả năng sử dụng từ ngữ, năng lực lựa chọn và đưa ra quyết định.

Chuẩn bị: Túi giấy, một số đồ vật tùy chọn.

Cách thực hiện:

  • Mức 1: Giáo viên đặt một đồ vật vào trong túi và yêu cầu học sinh đoán thông qua việc gợi ý bằng các loại từ. Học sinh đưa ra đáp án đồng thời phải giải thích cho lựa chọn của mình. Sau khi giáo viên công bố đáp án, cả lớp sẽ cùng thảo luận xem các manh mối được đưa ra liên quan như thế nào tới đáp án, còn có những từ nào có thể được sử dụng để mô tả đồ vật này.

Ví dụ:

  • Giáo viên đặt vào túi một quả quýt và chỉ dùng tính từ để gợi ý (tròn, màu cam, nhỏ, ngọt).
  • Giáo viên gợi ý ‘sweet, chewy, small, sticky, flavorful, yummy, rectangular’, đáp án là ‘chewing gum’ hoặc ‘bubble gum’.

  • Mức 2: Giáo viên đặt đồ vật vào trong túi rồi cho một học sinh mô tả bằng loại từ nhất định để các bạn đoán.
  • Mức 3: Sau khi đã hiểu cách chơi ở trên lớp, giáo viên cung cấp cho học sinh một túi giấy nhỏ để đem về nhà. Các em cần bỏ một đồ vật vào bên trong và viết các từ gợi ý ra bên ngoài túi rồi đem đến lớp. Tại lớp, các học sinh sẽ đoán đồ vật trong túi của nhau dựa vào gợi ý ghi bên ngoài. Như vậy học sinh sẽ phải suy nghĩ, lựa chọn đồ vật vừa với chiếc túi mình có cũng như có thể mô tả được bằng loại từ đã được giáo viên chỉ định.

3. Túi kể chuyện

Mục đích: phát triển trí tưởng tượng, óc sáng tạo, tư duy ngôn ngữ của trẻ.

Chuẩn bị: Túi giấy, một số đồ vật ngẫu nhiên để sẵn trong túi.

Cách thực hiện:

  • Giáo viên gọi một học sinh lấy ngẫu nhiên 3-5 đồ vật ra khỏi túi sau đó yêu cầu em nghĩ ra một câu chuyện có đủ ba phần (mở đầu, thân và kết thúc) xoay quanh các đồ vật này. Sau khi học sinh hoàn thành, giáo viên có thể hỏi cả lớp xem trong những câu chuyện này có điều gì thú vị hay bài học gì không. Thầy cô hãy để học sinh thoải mái trình bày ý kiến của mình và không phán xét, mỗi ý kiến đều đáng được khen ngợi và khích lệ.
  • Giáo viên có thể yêu cầu cả lớp cùng nghĩ câu chuyện của riêng mình hoặc chia thành các nhóm nhỏ để thực hiện hoạt động.
  • Thay vì để học sinh chọn ngẫu nhiên đồ vật, giáo viên có thể chia sẵn đồ vật vào các túi và để các em tự chọn túi.
  • Giáo viên có thể giảm độ khó xuống còn 1 đồ vật và cho phép những câu chuyện siêu ngắn, thậm chí chỉ có 3 câu. Khi đã quen với hoạt động này, các em sẽ có thêm rất nhiều ý tưởng thú vị và độc đáo.

4. Túi tái chế

Mục đích: phát triển trí tưởng tượng, óc sáng tạo, tư duy ngôn ngữ, khả năng tuyết trình, hùng biện, ý thức bảo vệ môi trường.

Chuẩn bị: Túi giấy, vật liệu tái chế.

Cách thực hiện:

  • Giáo viên cùng học sinh thu thập và làm sạch các loại rác thải có thể tái chế (chai nhựa, vỏ hộp sữa, bàn chải đánh răng, ống hút, bìa carton, vải vụn…).
  • Giáo viên bỏ 8 – 12 món đồ tái chế vào mỗi túi giấy. Hãy đảm bảo không túi nào chứa đồ vật giống hệt nhau và mỗi túi có ít nhất một đồ vật cỡ lớn.
  • Giáo viên tự thiết kế hoặc cùng học sinh thảo luận để làm các thẻ thử thách. Trên mỗi thẻ thử thách sẽ có một yêu cầu chế tạo một sản phẩm từ những đồ vật nhận được trong ‘túi tái chế’.
  • Mỗi học sinh/nhóm học sinh sẽ chọn ngẫu nhiên một ‘túi tái chế’ và một thẻ thử thách rồi hoàn thành nhiệm vụ không thời gian quy định (1 tiết học trên lớp, học sinh tự thực hiện ở nhà trong 1 tuần,…).
  • Sau khi hoàn thành, học sinh/nhóm học sinh sẽ trình bày trước lớp về thiết kế đồng thời giải đáp thắc mắc cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của các bạn. Sản phẩm cuối cùng được đánh giá dựa trên tiêu chí sáng tạo, thực dụng, tiết kiệm, tận dụng tối đa đồ vật tái chế có trong túi.
  • Sau mỗi lượt thử thách đồ vật trong túi sẽ giảm đi, vì vậy giáo viên hãy nhờ chính học sinh của mình tự bổ sung thêm đồ vật cũng như đưa ra thêm các thử thách mới cho những lần sau.

Lưu ý:

  • Tuy nội dung bài viết chỉ đề cập đến các hình thức tổ chức tại lớp học nhưng các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể áp dụng ở nhà vì các hoạt động này vô cùng đơn giản và dễ thực hiện.
  • Chúng tôi đề cao việc tái chế nên bạn không nhất thiết phải tìm bằng được túi giấy để thực hiện hoạt động. Hãy tận dụng và tái chế mọi thứ có sẵn quanh bạn như hộp carton cũ, túi giấy làm từ tờ rơi, báo, tạp chí cũ, …

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *