Xúc xắc là một món đồ vô cùng quen thuộc trong rất nhiều trò chơi. Chính vì vậy việc biến đồ vật nhỏ xinh này thành công cụ hỗ trợ cho học tập vui vẻ cũng không quá khó khăn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số cách sử dụng xúc xắc như vậy nhé.
XÚC XẮC VẬN ĐỘNG
🎲 Trước hết, bạn cần tự chế một con xúc xắc giấy/bìa đủ to để ghi chữ lên các mặt. Xúc xắc càng to, trang trí càng bắt mắt thì càng hấp dẫn. Trên mỗi mặt của xúc xắc, thầy cô hãy điền một hoạt động nhỏ như Chạy tại chỗ trong 15 giây, Nhảy lò cò 5 nhịp, Hát 1 bài hát,…
🎲 Người chơi tung xúc xắc để chọn hoạt động. Sau đó người tung xúc xắc hoặc toàn bộ người chơi đều phải thực hiện hoạt động đã chọn.
🎲 Chỉ cần 5 phút tổ chức hoạt động này, người tham gia sẽ được thay đổi trạng thái, tâm trạng, từ uể oải, mệt mỏi sang tích cực, tràn đầy năng lượng. Ngoài ra, thầy cô giáo có thể sáng tạo thêm nhiều nhiệm vụ khác nhau phù hợp với môn học mà mình giảng dạy để tăng hiệu quả tiếp thu bài.

XÚC XẮC TOÁN HỌC
🎲 Chuẩn bị: 2 viên xúc xắc (Tùy chọn loại xúc xắc có số mặt phù hợp với nhu cầu của phép tính).
🎲 Cách chơi: Người chơi tung xúc xắc và đọc nhanh tổng/hiệu/tích/thương của 2 số trên mặt xúc xắc.
- Ở mức độ dễ, người chơi chỉ cần đọc 1 loại kết quả (tổng, hiệu, tích hoặc thương). Để tăng độ khó, có thể yêu cầu người chơi đọc toàn bộ các kết quả có thể xảy ra (tổng – hiệu – tích – thương/thương và số dư).
- Đối với trẻ vừa làm quen với phép tính mới, có thể yêu cầu các em tung xúc xắc và ghi phép tính ra giấy.
XÚC XẮC TỪ NGỮ
🎲 Đầu tiên, người chơi sẽ chọn ra một từ trong danh sách (thầy cô có thể viết trực tiếp trên bảng hoặc sử dụng thẻ từ) rồi tung xúc xắc và thực hiện yêu cầu tương ứng với con số trên xúc xắc.
Ví dụ: 1 = Nêu định nghĩa của từ, 2 = Đặt câu với từ đã chọn, 3 = Nói một từ đồng nghĩa với từ đó, 4 = Nói một từ trái nghĩa với từ đó, 5 = Vẽ hình minh họa từ, 6 = Mô tả từ bằng hành động.
🎲 Hoạt động này phù hợp với việc học từ mới, ôn tập từ cũ trong các bộ môn tiếng Việt, ngoại ngữ. Tuy nhiên, thầy cô ở những bộ môn khác hoàn toàn có thể thay đổi và sáng tạo này để giúp học sinh ôn tập các khái niệm, định lý,…
XÚC XẮC HÓA HỌC
🎲 Chuẩn bị: 2 viên xúc xắc 20 mặt cho một người chơi (Tùy theo nhu cầu có thể sử dụng xúc xắc ít mặt hơn).
- Sử dụng xúc xắc đánh số từ 1 đến 20 kèm bảng quy đổi ‘Số -> Ion’: Trong trường hợp này, 2 viên xúc xắc phải khác màu nhau để phân biệt được, 1 viên sẽ tương ứng với ion âm, 1 viên sẽ tương ứng với ion dương.
- Sử dụng xúc xắc ghi sẵn tên ion âm và ion dương trên mỗi mặt.
🎲 Cách chơi: Người chơi tung xúc xắc, dựa vào tên ion tương ứng với 2 măt xúc xắc tung được để viết thành công thức hóa học và gọi tên hợp chất hóa học được tạo thành. Để nâng độ khó của trò chơi, có thể yêu cầu người chơi nêu đặc điểm của hợp chất được tạo thành,…


