THỬ THÁCH DÀNH CHO BỘ NÃO

Một bộ não khỏe mạnh không chỉ cần nghỉ ngơi mà còn cần được rèn luyện. Một chút thử thách nhỏ hàng ngày sẽ giúp cho bộ não của trẻ hoạt động hiệu quả hơn.

Từ điển đồng nghĩa/trái nghĩa 

Thầy cô đưa ra một từ và để các học sinh trả lời liên tiếp những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ đó. Học sinh trả lời chậm/sai/trùng đáp án sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Người trụ lại cuối cùng là người chiến thắng.

Biểu đồ Venn 

Thầy cô đưa ra 2 từ/cụm từ khác nhau, học sinh sẽ tìm các từ/cụm từ có mối liên hệ chung với 2 từ đã cho và giải thích lý do.

Ví dụ: ‘Issac Newton và Hoàng Hoa Thám’ -> ‘Sách Lịch sử lớp 7’, ‘Danh nhân’; ‘Tạp chí và trứng gà’ -> ‘Sách dạy nấu ăn’.

Thử thách đọc nhanh

Tổ chức các thử thách để tìm ra người đọc đúng, phát âm chuẩn và nhanh nhất:

  • Đọc lùi các ngày trong tuần, các tháng trong năm.
  • Đếm ngược các số.
  • Đọc từ dưới lên một đoạn văn, bài thơ,…
  • Đọc những câu nói “xoắn lưỡi” (Ví dụ: Buổi trưa ăn bưởi chua).

Câu đố

Mọi người đều thích giải câu đố và trò chơi này chưa bao giờ trở nên lỗi thời. 5 phút và 10 câu đố là đủ để bộ não được kích hoạt cho các hoạt động tiếp theo. Dù có liên quan đến bài học hay không, thầy cô hãy cố gắng lựa chọn những câu đố mang tính bất ngờ, vui vẻ để học sinh không bị căng thẳng, gây phản tác dụng của trò chơi.

Câu chuyện 1 từ 

Chia học sinh trong lớp thành các nhóm nhỏ. Mỗi nhóm sẽ có 1 phút để vừa sáng tạo, vừa kể câu chuyện của riêng mình bằng cách nói lần lượt liên tiếp nhau (1 từ/người/lượt). Vì câu chuyện được sáng tạo ngẫu nhiên và ngay tức thì nên các thành viên trong nhóm sẽ phải có sự tập trung cao, phản xạ nhanh, phối hợp tốt với nhau. Dĩ nhiên câu chuyện ngẫu nhiên này chắc chắn cũng sẽ rất thú vị.

Cùng nhau vẽ

Thầy cô cho 1 học sinh xem 1 bức tranh đơn giản. Học sinh này sau đó sẽ hướng dẫn một số em khác vẽ lại bức tranh đó trên bảng. Trong lời hướng dẫn phải đảm bảo không có các từ liên quan đến bức tranh (Ví dụ: Với tranh con gà, học sinh chỉ được mô tả vẽ hình tròn, hình tam giác, vẽ đường cong,… mà không được nhắc đến các từ ‘con gà’, ‘mỏ’, ‘chân’,…). Sau khoảng thời gian quy định (1-3 phút), các học sinh dừng chơi và so sánh với bức tranh gốc. Hoạt động này sẽ cho thấy sự phối hợp ăn ý, khả năng mô tả và trí tưởng tượng phong phú của các em.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *